Dù chưa rõ Bộ Tài chỉnh đề xuất giảm bao nhiêu nhưng có ý kiến cho rằng, chỉ cần giảm 50% hai loại thuế này đã có thể hạ nhiệt giá xăng.
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Dù chưa rõ Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế cụ thể như thế nào nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, chỉ cần giảm 50% hai loại thuế này đã có thể hạ nhiệt giá xăng dầu. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra phải chịu bốn loại thuế: thuế nhập khẩu 10%, thuế VAT 10%, thuế TTĐB 10% và thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 1.000 – 2.000 đồng/lít (sau khi được giảm 50% thuế BVMT từ 1/4 năm nay).
Bộ Tài chính cũng đã đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Theo Bộ Tài chính, đề xuất này cùng với đề xuất giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu (MFN) với xăng từ 20% xuống còn 12% sẽ giúp hạ nhiệt xăng dầu trong thời gian tới.
Theo phó giáo sư – tiến sĩ Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) – tổng phí và thuế mỗi lít xăng dầu phải chịu là khoảng 35%, tương đương khoảng 11.500 đồng/lít. Việc giảm thuế suất MFN từ 20% xuống còn 12% không có nhiều ý nghĩa do xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là 8%, chỉ một số ít nhập ở các nước khác, còn lại chủ yếu là nội địa sản xuất.
Trường hợp đề xuất giảm thuế BVMT xuống mức sàn trong khung thuế được chấp thuận và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới đây thì giá xăng chỉ giảm thêm khoảng 1.000 đồng/lít, còn dầu giảm 700 đồng/lít. Nếu giảm được 50% mỗi loại thuế thì tổng thuế phí mỗi lít xăng phải chịu còn khoảng 22 – 23%, tương đương 7.500 đồng/lít. Mức giảm sẽ khoảng 4.000 đồng/lít, kéo giá xăng còn từ 27.302 – 28.873 đồng/lít. Đó là mức giảm hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
“Nếu đề xuất này được thông qua thì phải 4 – 5 tháng nữa mới có hiệu lực, lúc đó giá xăng có thể lại lập đỉnh mới. Do đó cần có các giải pháp an sinh xã hội khác”, phó giáo sư – tiến sĩ Ngô Trí Long đề xuất.